Chiến lược tìm hiểu công ty mơ ước

Chiến lược tìm hiểu công ty mơ ước
  • avatar
    Super Admin
  • Th02 27, 2024

  • 2,185

Bạn đã lọc được một vài công ty mơ ước từ vô số doanh nghiệp. Nhưng làm sao để biết công ty đó có thực sự phù hợp với mình? Hoặc công ty nào là sự lựa chọn tuyệt vời nhất trong giai đoạn này? Chúng tôi đã có công thức để bạn ứng dụng.

Tìm hiểu công ty là bước không thể thiếu trong quá trình tìm việc. Chỉ khi hiểu rõ nhà tuyển dụng, bạn mới có thể ‘chọn mặt gửi vàng’ và có được công việc ưng ý.

Tìm hiểu công ty thường có ba mục đích: tự đánh giá bản thân có phù hợp với công ty hay không, so sánh các công ty và ghi điểm với nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn. Với công thức tìm hiểu công ty dưới đây, bạn có thể làm được cả ba điều này một cách dễ dàng.

1. Chọn công ty có chung lý tưởng

Bên cạnh lương thưởng và chế độ đãi ngộ, 43% ứng viên nói rằng họ bị thu hút bởi một cơ hội mới vì công việc đó có ý nghĩa. Hãy tìm hiểu sứ mệnh cốt lõi của công ty, xem chúng có phù hợp với lý tưởng, mục tiêu và sở thích của bạn không. Ví dụ, nếu bạn quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hãy chọn công ty có quan điểm tương tự. Quá trình chọn lọc này giúp tiết kiệm thời gian cho bạn và nhà tuyển dụng ngay từ đầu.

2. Tìm hiểu quyền lợi của nhân viên

Để thu hút ứng viên tiềm năng, công ty thường đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ như bảo hiểm sức khỏe, du lịch thường niên, giờ làm việc linh hoạt, trang bị phòng tập gym hay căng-tin… Bạn quan tâm đến chế độ đãi ngộ nào thì hãy cân nhắc điều đó khi chọn công ty.

Ngoài ra, để ý xem nhân viên của công ty nói gì về những chế độ này. Liệu chúng có thực sự hay ho như ‘quảng cáo’? Nếu bạn có người quen làm ở công ty, quá dễ rồi! Nếu không, bạn có thể ‘dạo’ một vòng website, fanpage, LinkedIn của công ty..

3. Tìm hiểu hoạt động kinh doanh của công ty

Công ty kiếm tiền bằng cách nào? Ai là đối tượng khách hàng chính? Công ty có được đánh giá cao không? Đây là công ty start-up hay đã hoạt động ổn định? Họ đã phát triển như thế nào theo thời gian?

Tìm được câu trả lời, bạn sẽ hiểu được sự ổn định của doanh nghiệp, thử thách họ đang gặp phải và vai trò tiềm năng của bạn trong tương lai. Bạn có thể tìm kiếm thông tin này từ website của công ty hoặc trên các trang đánh giá chuyên môn khác.

4. Quét tin

Website hay Facebook là ‘hình ảnh đại diện’ của một doanh nghiệp, nhưng cái nhìn từ bên ngoài cũng rất hữu ích. Hãy tra cứu về hoạt động của công ty trên Google, báo in, tạp chí chuyên ngành… Biết được về campaign (chiến dịch) hay dự án nổi bật gần đây của họ có thể giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Ngoài ra, bạn có thể ‘nằm vùng’ trong diễn đàn của khách hàng để đánh giá danh tiếng hoặc sản phẩm của công ty.

Đặc biệt chú ý đến ‘dấu hiệu cờ đỏ’ như biến động lớn gần đây hoặc scandal (nếu có). Bất kỳ sự vụ quan trọng nào như sa thải hàng loạt, sáp nhập hoặc mua lại công ty, thay đổi CEO, phát hành cổ phiếu... có thể mang lại cơ hội, nhưng cũng có thể tạo nên môi trường làm việc không ổn định.

Lưu ý: Tin rác và fake news đang đầy rẫy trên mạng. Hãy chọn lọc thông tin từ nguồn uy tín và đa chiều để tránh hiểu lầm không đáng có.

5. Tìm hiểu lãnh đạo

Khi quan tâm đến một công ty, bạn nên biết ai là người đứng đầu. Người chèo lái con thuyền đóng vai trò rất lớn trong hoạt động và văn hóa công ty.

Hãy tìm những người nắm giữ vị trí chủ chốt (giám đốc điều hành, trưởng bộ phận), đọc tiểu sử và trang Facebook cá nhân của họ. Các bài viết của họ trên mạng xã hội như thế nào? Họ có tự hào khi đại diện cho thương hiệu hoặc làm việc trong ngành này không? Một số nhà lãnh đạo có thể được phỏng vấn trên báo chí hoặc viết sách – những ấn phẩm này cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về con người họ cũng như doanh nghiệp mà họ đại diện.

6. Hỏi bạn bè, đồng nghiệp

Hỏi thêm bạn bè, đồng nghiệp thân tín về công ty mơ ước của bạn. Họ có thể nắm được thông tin giá trị hoặc thông tin nội bộ. Nếu bạn là sinh viên mới tốt nghiệp và chưa có nhiều mối quan hệ, hãy hỏi thầy cô, cựu sinh viên đã làm việc trong ngành này.

7. Khi phỏng vấn, hãy chia sẻ thông tin một cách chọn lọc

Sau khi tìm hiểu rất kỹ về công ty mơ ước, bạn có thể háo hức muốn nói hết những gì mình biết trong cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng! Một số thông tin bạn tìm được có thể lỗi thời hoặc không chính xác. Nếu bạn biết được thông tin nhạy cảm, hãy suy nghĩ kỹ trước khi đề cập đến nó trong cuộc phỏng vấn.

Tốt hơn hết, hãy sử dụng thông tin bạn biết để thể hiện mình có kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với mô tả công việc, mục tiêu của bộ phận và tầm nhìn của công ty.

Tìm hiểu công ty có thể mất nhiều thời gian, nhưng chắc chắn sẽ giúp ích cho quá trình tìm việc của bạn, đặc biệt là khi bạn đang muốn tìm kiếm một công việc ổn định và lâu dài.

Đừng đi phỏng vấn khi bạn chưa biết sứ mệnh tầm nhìn của công ty hay profile của người đứng đầu. Sai lầm này giống như ‘tay không bắt giặc’! Bạn chỉ có thể thắng cuộc chiến nếu được trang bị đầy đủ kỹ năng cũng như kiến thức. Nếu bạn không thể dành cả ngày để tìm hiểu công ty, hãy dành 30 phút – 1 tiếng mỗi ngày kể từ thời điểm nhận được lời mời phỏng vấn. Tích tiểu thành đại – dần dần bạn cũng sẽ sẵn sàng ‘ra trận’.

  • Chia sẻ bài đăng:

Nhận thông báo ngay!

Đăng ký để nhận tất cả các thông báo về việc làm mới nhất.