15 “phẩm chất” của một bản CV hấp dẫn
-
Super Admin
-
Th03 19, 2024
-
2,107
Bạn đã biết một bản CV hấp dẫn trong mắt nhà tuyển dụng thường sẽ không theo một quy tắc nhất định nào nhưng nên sở hữu 15 điều cơ bản như sau chưa?
1. Đặt tiêu đề cho lý lịch
Tiêu đề giúp bán được báo, cũng như nghệ thuật “giật tít” giúp các trang tin điện tử thu hút lượt truy cập. Tương tự, tiêu đề lý lịch cũng có thể giúp ứng viên tìm việc giành lấy sự chú ý của người duyệt hồ sơ.
Các chuyên viên tuyển dụng không thực sự đọc toàn bộ CV, họ chỉ thường lướt qua tổng thể để xác định mức độ phù hợp của ứng viên với công việc. Hãy khiến cho việc này dễ dàng hơn bằng cách tạo tiêu đề cho lý lịch, qua đó nhà tuyển dụng sẽ biết được điểm mạnh nhất của bạn. Ví dụ như: Nhà sản xuất chương trình truyền hình đạt giải thưởng (Award Winning Television Executive Producer), Chuyên viên truyền thông và quan hệ công chúng cấp cao (Senior Communication & PR Specialist), hoặc Thực tập sinh phát triển phần mềm (Software Developer Intern)...
2. Tạo mục Profile
Các chuyên viên tuyển dụng có xu hướng tập trung vào ba phần trên cùng trong trang đầu tiên của CV. Họ chỉ tiếp tục đọc nếu hồ sơ của bạn thật sự bắt mắt và nhanh chóng thu hút sự chú ý. Hãy liệt kê các ví dụ mạnh mẽ và nhất quán để chứng minh khả năng của bạn trong việc như thúc đẩy tăng trưởng và duy trì hoạt động sản xuất/ kinh doanh của công ty chẳng hạn.
3. Liệt kê các năng lực cốt lõi
Một trong những điều đầu tiên mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm khi xem CV chính là ứng viên có sở hữu bộ kỹ năng cần thiết cho công việc hay không. Các chuyên môn của bạn nên được thể hiện một cách nổi bật trong các phần đầu lý lịch. Hãy thử sử dụng các từ khoá, hoặc cụm từ được xem là quan trọng đối với chức năng công việc và lĩnh vực mà bạn muốn tham gia.
Nếu bạn không chắc từ khoá đó là gì, hãy tìm kiếm nó trong mẫu đăng tuyển dụng của các công ty. Điều chỉnh và vận dụng vào CV của bạn sao cho phù hợp với công việc tiềm năng bạn yêu thích.
4. Giới thiệu tóm tắt về công ty
Với mỗi công ty hoặc tổ chức bạn từng là thành viên, hãy viết một đoạn mô tả khái quát thông tin về tầm vóc, quy mô, lĩnh vực và vị thế hoặc năng lực tạo doanh thu (nếu họ phổ biến công khai). Giới thiệu tóm tắt về công ty đặc biệt quan trọng trong trường hợp bạn từng làm việc cho các công ty nhỏ, mới thành lập hoặc ít người biết đến. Tham khảo mục “Về chúng tôi” và nhiều thông tin khác trên website của công ty để bổ sung dữ liệu cho mô tả của bạn.
5. Thông tin về quy mô nhân sự và ngân sách của công ty cũ
Việc làm rõ thông tin về quy mô ngân sách và số lượng nhân sự sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về phạm vi quyền hạn, trách nhiệm cũng như cấp bậc của bạn trong công việc cũ.
6. Tối giản phần diễn giải trách nhiệm trong lịch sử làm việc
Mặc dù việc truyền đạt cái nhìn tổng quan về các nhiệm vụ đã làm trong quá khứ là quan trọng, nhưng thông tin này thường không quá khác biệt giữa các ứng viên. Nhiều ứng viên sẽ có kinh nghiệm làm công việc tương tự nhau. Điều làm chúng đặc biệt và đáng nhớ chính là thành tựu thu được trong quá trình đó. Vì vậy, bạn nên dành không quá 3-6 dòng để diễn giải về các nhiệm vụ liên quan đến từng vị trí, và tiết kiệm không gian CV để tập trung làm nổi bật các thành tựu có giá trị hơn.
7. Tối ưu hiệu quả của các thành tích
Nhà tuyển dụng rất quan tâm và thích đọc về thành tích của bạn. Các thành tích trong quá khứ là cơ sở để dự đoán tốt hơn về những thành công so với các cuộc thảo luận về trách nhiệm và vai trò trong công việc.
Hãy đưa ra những tuyên bố thành tích, trình bày rõ ràng các minh chứng về đóng góp của bạn trong việc giúp công ty thu hút khách hàng, tăng trưởng doanh thu, mở rộng thị trường hay là tiết kiệm chi phí, tận dụng thời gian và phát huy sáng kiến.
8. Nhóm các thành tích theo chủ đề
Sau khi đã viết xong phần giới thiệu thành tích, bạn hãy tìm xem tổng quan các thành tựu và kết quả này xoay quanh điểm gì chung và nổi trội nhất. Có một số thành tựu sẽ đại diện cho khả năng gia tăng doanh số bán hàng, bạn sẽ là ngôi sao của phòng kinh doanh. Hoặc một số người khác lại sở hữu năng lực của nhân tài về sáng kiến quản lý nhân sự, kiểm soát chi phí, cải tiến quy trình.
Bằng cách nhóm các thành tích theo chủ đề và đặt tiêu đề theo trình tự thời gian của từng vị trí, bạn có thể truyền tải đến nhà tuyển dụng cái nhìn tốt hơn về thương hiệu cá nhân và giá trị gia tăng của bản thân. Người đọc sẽ dễ dàng theo dõi những thành tựu bạn đạt được tương ứng với các năng lực chính.
9. Liệt kê sở thích phù hợp
Chỉ nên đưa ra các sở thích khi chúng có liên quan đến công việc dự tuyển hoặc phù hợp với đối tượng xem lý lịch. Ví dụ một kỹ thuật viên máy tính thì có thể chia sẻ rằng anh ấy thích sửa chữa những chiếc xe cũ, hoặc một người tổ chức sự kiện thì nên đề cập đến kinh nghiệm tham gia sinh hoạt trên sân khấu hay nhà văn hoá.
Bên cạnh đó, sở thích cũng có thể sử dụng để khéo léo hoá giải những thiên kiến hoặc sự thiên vị về tuổi tác hay giới tính. Ví dụ, ứng viên trên 50 tuổi có thể kể ra rằng ông ấy từng là vận động viên chạy ma ra tông để ngụ ý mình có sức khoẻ dẻo dai và thể lực đủ tốt để đảm nhiệm công việc. Hành động này cho thấy bạn ý thức rõ về yêu cầu thể chất và sức khoẻ nhằm ngăn ngừa những tình huống bị từ chối do nhà tuyển dụng lo sợ bạn không đủ sức lực đáp ứng yêu cầu công việc.
10. Kể ra các hoạt động tình nguyện phù hợp
Hãy bao gồm các kỹ năng mà bạn đạt được sau quá trình tham gia các hoạt động tình nguyện và công tác xã hội để tăng cơ hội giành được công việc mơ ước. Ví dụ, nếu muốn thay đổi công việc và chuyển sang lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, bạn có thể đề cập đến kinh nghiệm làm tình nguyện viên tại các bệnh viện, trung tâm y tế hoặc dự án vì sức khoẻ cộng đồng. Hoặc một kỹ sư CNTT có thế chia sẻ việc từng tổ chức các lớp dạy kỹ năng máy tính miễn phí cho học sinh nghèo hoặc thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
11. Liệt kê các hội nhóm chuyên ngành có liên quan
Hãy chừa ra chút không gian để viết đôi dòng về các hội đoàn và tổ chức uy tín mà bạn là thành viên để cho thấy sự kết nối và mối quan hệ của bạn trong nghề nghiệp có liên quan. Đặc biệt, nếu bạn đã hoặc đang giữ chức vụ lãnh đạo hay quản lý trong các tổ chức này thì càng nên nhấn mạnh.
12. Trình bày lịch sử làm việc theo năm
Nhà tuyển dụng thường mong đợi được xem quá trình làm việc của bạn tại công ty cũ qua các năm, chứ không phải tháng và năm. Quy tắc này ngoại trừ các ứng viên có quãng thời gian làm việc tại một nơi ít hơn 12 tháng, hoặc các bạn sinh viên mới ra trường, hoặc người chỉ có kinh nghiệm thực tập ngắn hạn.
13. Tập trung vào kinh nghiệm của 5 năm gần nhất
Các nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đến thành tựu trong công việc gần đây của bạn, chứ không phải các kinh nghiệm làm việc từ hơn một thập kỷ trước. Hãy tập trung vào kinh nghiệm và kết quả gặt hái được trong vòng 5 năm trở lại, tối ưu hoá sức mạnh của nó để thuyết phục nhà tuyển dụng và giảm thiểu không gian dành cho các kinh nghiệm đã quá xa xưa hoặc lỗi thời.
14. Ghi rõ thời gian tốt nghiệp
Thỉnh thoảng, người tìm việc cũng “vờ” đi thông tin về thời gian tốt nghiệp trong hồ sơ xin việc nhằm che đi sự thật tuổi tác với hi vọng không bị từ chối. Tuy nhiên, mọi thứ lại chẳng như bạn nghĩ, bằng cách bỏ qua năm tốt nghiệp, bạn có thể thu hút nhiều sự chú ý của người duyệt hồ sơ vào vấn đề bạn đang cố che giấu hơn. Họ sẽ đặt câu hỏi vì sao bạn lại ẩn đi ngày tốt nghiệp? Thậm chí, họ còn có thể giả định rằng bạn già hơn cả tuổi thật của bạn.
15. Xoá cụm “References Available Upon Request”
Bạn biết rằng mình có thể cung cấp thông tin tham khảo khi được yêu cầu, và nhà tuyển dụng cũng sẽ tự hiểu được điều đó. Vì thế, theo quan điểm của nhiều chuyên viên tuyển dụng, ứng viên hãy liệt kê rõ thông tin liên hệ cụ thể hoặc mạnh dạn bỏ qua. Bạn không cần phải viết câu “Cung cấp thông tin tham khảo khi có yêu cầu” hay “References Available Upon Request” vào CV. Nên dành không gian quý giá trên bản lý lịch để viết những điều hữu ích hơn, các thông tin giúp bạn có thể giành một vé dự phỏng vấn!